ads


Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Đáp ứng đủ cho xây dựng



Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp xi măng VN đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước, trở thành một ngành công nghiệp mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng VN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Theo đó sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư mở rộng và có định hướng sản xuất xi măng tại khu vực miền Nam, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng, các trạm nghiền không gắn với cơ sở sản xuất clinker trong nước. Cụ thể là đặc biệt khuyến khích đầu tư các dự án có công suất từ 1 triệu tấn xi măng/năm trở lên, đồng thời huy động tối đa công suất của các cơ sở sản xuất xi măng hiện có để đáp ứng nhu cầu xi măng của các địa phương.Đối với các dự án có công suất trên 3.000 tấn clinker/ngày, yêu cầu trữ lượng mở nguyên liệu tối thiểu phải đủ cho sản xuất liên tục trong 30 năm. Còn các dự án có công suất dưới 3.000 tấn clinker/ngày, trữ lượng mỏ nguyên liệu phải đủ cho sản xuất liên tục từ 20 đến 25 năm. Chính phủ chủ trương đa dạng hoá nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất xi măng, sử dụng cả phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác và chuyển đổi dần công nghệ lò đứng sang lò quay và tiến tới loại bỏ công nghệ xi măng lò đứng trước năm 2020.

Hiện tại, với 13 nhà máy hiện có, vốn đầu tư hơn 3.774 triệu USD, hàng năm cung ứng hơn 18 triệu tấn xi măng. Với 20 nhà máy đang xây dựng, tổng công suất các nhà máy là hơn 30 triệu tấn, với hệ số khai thác như hiện nay, đến năm 2008, có thể hàng năm sẽ cungứng cho thị trường khoảng 18-20 tấn xi măng nữa.

Để giải quyết vấn đề vốn, các dự án sẽ huy động tối đa các nguồn vốn trong nước và đa dạng hoá hình thức đầu tư để các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư sản xuất xi măng. Những dự án liên doanh với nước ngoài đang sản xuất, nếu mở rộng đầu tư phải tăng vốn pháp định của phía VN để đạt tỷ lệ từ 40% trở lên.

Một biện pháp quan trọng nhằm đưa ngành xi măng đi lên là huy động tối đa năng lực của các ngành cơ khí, luyện kim, tin học, tự động hoá,... trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, công nghệ và phụ tùng cho ngành công nghiệp xi măng để tăng nhanh tỷ lệ nội địa hoá. Các dự án đầu tư xi măng có công suất từ trên 1 triệu tấn/năm và trạm nghiền có công suất 0,5 triệu tấn/năm trở xuống thực hiện phương thức chủ đầu tư giao thầu trực tiếp cho các Tổng Công ty Cơ khí đủ năng lực trong nước làm nhà thầu chính thiết kế công nghệ, sản xuất chế tạo và cung ứng thiết bị đồng bộ cho dự án. Đối với các dự án xi măng lớn, phần sử dụng hàng hoá, thiết bị gia công chế tạo trong nước đạt tối thiểu 60% trọng lượng và 30% giá trị.

Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất xi măng phấn đấu thực hiện để từ năm 2010 phải đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu, nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, mức độ tự động hoá, tỷ lệ chế tạo thiết bị trong nước, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hoá các chủng loại xi măng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, cạnh tranh được với xi măng các nước trong khu vực và thế giới. Một trong các hướng nâng cao áp dụng công nghệ là việc Chính phủ đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi 20 nhà máy xi măng lò đứng, các nhà máy này hàng năm chỉ sản xuất khoảng 2 - 3 triệu tấn, bằng 1-2 nhà máy xi măng lò quay hiện đại, thời gian qua tuy đã đáp ứng nhu cầu tại chỗ ở các địa phương nhưng càng ngày càng tỏ ra lạc hậu về công nghệ, gây ô nhiễm về môi trường...

Nếu theo đúng những quy hoạch này, thị trường xi măng sẽ có những chuyển biến mới, theo các chuyên gia, ngoài việc giá xi măng sẽ bình ổn lâu dài, thì việc phát triển xi măng sẽ góp phần đáng kể vào thúc đẩy các tiến bộ công nghệ, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho xã hội.

Cập nhật, Ngày: 10/12/2009.

Chia sẻ :
 

Top